Saturday 21 November 2009

Mùng 5 Tết nhớ chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa


Quang Trung - Nguyễn Huệ - Nhà Tây Sơn


Những phát hiện mới về Hoàng đế Quang Trung


Năm 2008 có thể xem là năm “được mùa” của các nghiên cứu về Hoàng đế Quang Trung và phong trào Tây Sơn. Trong năm, ngoài một Hội thảo Khoa học “Phú Xuân - Thuận Hóa và sự nghiệp anh hùng của Nguyễn Huệ - Quang Trung” được tổ chức tại Huế, còn có Hội thảo Việt Nam học lần thứ III “Việt Nam - Hội nhập và phát triển” với nhiều tham luận đề cập đến vấn đề này. Bên cạnh đó, còn phải kể đến sự xuất hiện của công trình “Đi tìm dấu tích cung điện Đăng Dương - Sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung” của Nguyễn Đắc Xuân, rồi “Quang Trung - Nguyễn Huệ” (gồm những bài nghiên cứu rút từ tạp chí Sử Địa). Thông qua đó, nhiều phát hiện mới, thú vị về Hoàng đế Quang Trung được công bố. Nhân kỷ niệm 220 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2009), xin giới thiệu cùng bạn đọc.



Bức ảnh xưa nay vẫn nhận lầm là vẽ “Giả vương Quang Trung”.
Hình ảnh


“Chẩn bệnh” cho Vua Quang Trung

TS Bùi Minh Đức (hiện sống ở Hoa Kỳ) trong tham luận trình bày tại Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ III đã tìm hiểu về “Cái chết của Vua Quang Trung”. Theo TS Đức, đã có nhiều người quan tâm đến cái chết đột ngột của vị anh hùng áo vải và cũng vì thế, nhiều giả thuyết khác nhau về cái chết của Vua Quang Trung đã được đặt ra. Tuy nhiên, từ trước đến nay vẫn chưa có một khảo cứu nào căn cứ vào y khoa hiện đại để phối hợp với các sự kiện đã được ghi trong lịch sử để có thể cho chúng ta biết một cách chắc chắn hơn về bệnh trạng cũng như về nguyên nhân tử vong của Vua Quang Trung hồi đó.

Mục đích của TS Đức là “Thử tái lập hồ sơ bệnh lý của Vua Quang Trung từ khi xảy ra bạo bệnh cho đến ngày qua đời” với hy vọng sẽ có thể trả lời hai câu hỏi: Vua Quang Trung đã bị bạo bệnh đột ngột trước lúc qua đời , vậy đó là “căn bệnh” gì? Vua Quang Trung qua đời nhiều ngày sau “bạo bệnh”, vậy “nguyên nhân tử vong” là gì?

Để trả lời những câu hỏi ấy, TS Đức đã khảo cứu các nguồn tài liệu lịch sử với căn bệnh mà sử sách ghi là “huyễn vựng”. Ông cũng theo dõi cách điều trị của thái y, cách chăm sóc của Hoàng hậu Ngọc Hân và trạng thái của bệnh nhân trước khi chết, kết hợp với phương pháp nghiên cứu chuyên ngành y hiện đại của nội, ngoại thần kinh, tai mũi họng, tim mạch… Từ những khảo cứu trên, ông đã đưa ra một giả thuyết về hồ sơ bệnh lý của Vua Quang Trung: “tên: Nguyễn Huệ, giới tính: nam, nghề nghiệp: chỉ huy quân đội, chết ở tuổi 39. Kết luận bệnh án: xuất huyết não dưới màng nhện” và đi đến kết luận: “Theo chúng tôi, sau khi bị bệnh “xuất huyết não dưới màng nhện” suốt hai tháng trời, rất có thể: Vua Quang Trung đã qua đời vì bệnh viêm phổi hít (aspiration pheumonia) dẫn đến tình trạng trụy hô hấp (respiratory distress)”. Theo tác giả, bệnh này y khoa hiện đại có thể thử nghiệm chữa trị bằng phương pháp chữa trị của căn bệnh “tai biến mạch máu não” rồi dùng phẫu thuật để điều trị thì có thể qua cơn tai biến và phục hồi.

Nhà Tây Sơn có ít nhất bốn anh em trai

Đó là ý kiến được nhiều nhà nghiên cứu đưa ra tại Hội thảo Khoa học “Tây Sơn - Thuận Hóa và sự nghiệp anh hùng của Nguyễn Huệ - Quang Trung” tổ chức tại Huế nhân Festival Huế 2008. Khám phá này dựa trên cơ sở tư liệu “Khâm định An Nam kỳ lược” của nhà Thanh. Theo đó, ngoài lời khai trong thư từ qua lại, đích thân Phúc Khang An (một đại thần của nhà Thanh) đã hỏi lại Nguyễn Quang Hiển (cháu của Quang Trung, làm Chánh sứ sang Trung Quốc năm 1789) và bảo Nguyễn Quang Hiển viết cho minh bạch để kèm vào sau mặt biểu gửi lên Vua Càn Long. Theo lời khai đó, Nguyễn Quang Hiển là con của Nguyễn Quang Hoa, anh cả trong số bốn anh em trai của nhà Tây Sơn; kế đó là Nguyễn Quang Nhạc, rồi Nguyễn Quang Bình (Nguyễn Huệ) và Nguyễn Quang Thái (Nguyễn Lữ).

Tư liệu này cho thấy, anh em nhà Tây Sơn gồm ít nhất bốn anh em trai. Bên cạnh đó, ta còn biết thêm Nguyễn Nhạc có tên thật là Nguyễn Quang Nhạc, Nguyễn Huệ là Nguyễn Quang Bình và Nguyễn Lữ là Nguyễn Quang Thái. Riêng người anh cả Nguyễn Quang Hoa có thể do mất sớm, hoặc vì lý do nào đó không tham gia lãnh đạo phong trào Tây Sơn, nên không được sử sách ghi lại.



Bức tranh thứ sáu trong bộ tranh “Bình Định An Nam chiến đồ”.
Hình ảnh


Và người trong bức tranh “giả vương”?

Trên tờ Hồn Việt (Hội Nhà Văn Việt Nam) số 9, phát hành ngày 1.3.2008, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân công bố một tài liệu mới. Trong đó, có một chi tiết quan trọng: bức họa chân dung xưa nay ta tưởng nhầm là của Giả vương Quang Trung, đích thực là bức họa chân dung Vua Càn Long thời trẻ, do Lương Thế Ninh, một họa sĩ cung đình của triều Thanh, vẽ.

Về sự tích của bức tranh này, Hoàng Lê Nhất Thống Chí chép: “Về số đồ lễ, ngoài lệ chức phương, lại có dâng thêm đôi voi đực nữa. Trong khi đi đường người Tầu phục dịch cực kỳ vất vả. Kẻ trong người ngoài ai cũng biết là giả dối mà không ai dám nói ra. Lúc tới Yên Kinh, Vua Thanh tưởng là Vua Quang Trung thật, rất lấy làm mừng. Đến lúc vào chầu Vua Thanh cho cùng ăn uống với các thân vương, và cho đặc ân được vào ôm gối, như thể cha con người nhà. Đến khi lạy tạ xin về, Vua Thanh lại sai thợ vẽ vẽ tượng truyền thần ban cho, ân lễ rất trọng hậu, xưa nay chưa từng có bao giờ”.

Tuy nhiên, Đại Nam Liệt Truyện (quyển 30) lại chép: “Tới khi vào bệ kiến từ biệt về nước, Vua nước Thanh gọi đến gần bên giường, vỗ vào vai yên ủy dặn bảo ôn tồn; sai thợ vẽ hình của mình đem cho”. Nếu đúng như thế, hình ban cho Nguyễn Huệ là hình của Vua Càn Long, vì chính trong tài liệu của nhà Thanh cũng còn lưu lại nhiều văn thư mà Vua Quang Trung xin một tấm hình của Vua Cao Tông để đem về. Đại Việt quốc thư cũng còn một tờ thiếp gửi Phúc Khang An để nhờ ông này tâu lên Vua Càn Long về yêu cầu đó. Không hiểu sao, khi sang “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” lại đổi sang thành hình Vua Quang Trung. Có lẽ các tác giả “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” chép lầm; cũng có thể do người đọc hiểu sai ý câu văn, vì “Vua Thanh lại sai thợ vẽ vẽ tượng truyền thần ban cho” có thể hiểu là tượng truyền thần của Vua Quang Trung hay của Vua Càn Long đều được.

Theo một nghiên cứu, bức hình mà lâu nay vẫn nhận lầm là vẽ Giả vương Quang Trung chính là một bức tranh khá nổi tiếng của nhà Thanh vẽ Vua Càn Long khi ông còn trẻ.

Lê Viết Thọ
http://www.baobinhdinh.com.vn/nguyetsan/2009/1/71017/
source
http://www.binhdinhffc.com/diendan/viewtopic.php?f=22&t=5367

Kỷ niệm 221 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa

21:02 (17/02/2010)
(TNO) Chiều tối 17.2 (tức mùng 4 Tết Canh Dần), tại Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn, Bình Định), tỉnh Bình Định đã tổ chức trọng thể lễ Kỷ niệm 221 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2010) với sự tham dự của hàng vạn người dân và du khách.

>> Kỷ niệm 221 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa
>> Lễ hội kỷ niệm 221 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa
>> Tưng bừng khai hội Gò Đống Đa
>> Từ đất võ tới Thăng Long
>> Tái hiện Lễ hội Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế
>> Khai mạc Festival cồng chiêng quốc tế 2009
>> Mùng 7 Tết tổ chức Lễ hội Xuân Thăng Long - Hà Nội ngàn năm
>> Hoành tráng lễ hội Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế
>> Đại lễ tái hiện Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế
>> Huế: Miễn vé vào Đại nội và Cung An Định

Cách đây 221 năm, vào ngày mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789), dưới sự lãnh đạo của Hoàng đế Quang Trung, nghĩa quân Tây Sơn cùng nhân dân đã thần tốc ra Thăng Long đánh tan 29 vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu, làm nên chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử.

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Văn Thiện đã kêu gọi các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh Bình Định phát huy khí thế chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và tinh thần canh tân của Vua Quang Trung, ra sức góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.

Tiếp sau phần lễ là phần hội với một chương trình nghệ thuật tổng hợp gồm các diễn cảnh tái hiện hình ảnh Nhà Tây Sơn từ khi dựng cờ khởi nghĩa đến lúc Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế Quang Trung, thần tốc đại phá quân Thanh và sau đó là các hoạt động hát múa, đồng diễn với chủ đề Bình Định hướng về nghìn năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội do 325 diễn viên, học sinh tham gia thể hiện. Kết thúc chương trình là màn bắn pháo hoa rực rỡ.

Trước đó, lãnh đạo tỉnh Bình Định và các đoàn đại biểu đã tiến hành dâng hoa, dâng hương trước tượng đài Hoàng đế Quang Trung và tại Đền thờ Tây Sơn tam kiệt trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung.

Dịp này, trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung còn diễn ra nhiều hoạt động chào mừng như: Nghệ thuật sắp đặt Binh khí Tây Sơn, biểu diễn cồng chiêng, văn nghệ quần chúng, các trò chơi dân gian…

Tái hiện cảnh Nguyễn Huệ lên ngôi Quang Trung Hoàng đế

Tin, ảnh: Thúc Giáp

Nguồn: Thanh Niên Online


Thứ Sáu, 19/02/2010 - 14:34

Mùng 5 Tết nhớ chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa

(Dân trí) - Chỉ trong 5 ngày đêm Xuân Kỷ Dậu (1789), Hoàng đế Quang Trung đã lãnh đạo quân dân vùng lên giải phóng kinh thành Thăng Long, quét sạch 20 vạn quân Thanh. Từ đó đến nay, cứ đến ngày xuân, người dân lại nhớ chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa xưa.
>> Khai hội Gò Đống Đa: Khởi đầu một năm sự kiện
Một cảnh trong hoạt cảnh dựng lại chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung.
Tối qua 18/2 (mùng 5 Tết), quần chúng nhân dân TPHCM đã được xem lại trận chiến hào hùng tại Lễ kỷ niệm 221 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa do Sở Văn hóa - Thể thao và Du Lịch TPHCM tổ chức tại Công viên Tao Đàn.

Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa của vua Quang Trung là dấu son rực rỡ trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Vì thế, hàng ngàn gia đình ở TPHCM đã náo nức đến thắp hương tại đền vua Hùng và xem lại hoạt cảnh trên để ôn lại truyền thống đáng tự hào của ông cha.


Nhiều người dân đến thắp hương tại đền Vua Hùng trong công viên Tao Đàn TPHCM

Ông Dương Quang Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM phát biểu: “Tôi mong rằng với truyền thống chiến thắng Đống Đa lịch sử, TPHCM thời gian tới sẽ cùng cả nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng trong năm 2010. Tất cả chúng ta phải đoàn kết một lòng, phát huy tất cả sức mạnh tinh thần và vật chất để đạt ngày càng nhiều thành công như ông cha ta trước đây”.

Hoài Lương

source

http://dantri.com.vn/c20/s20-379812/mung-5-tet-nho-chien-thang-ngoc-hoi-dong-da.htm



Sáng nay 18/2
Hà Nội kỷ niệm 221 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa
18/02/2010 13:56

(HNMO) – Sáng nay, 18/2/2010 (tức mùng 5 Tết Canh Dần), tại gò Đống Đa, Hà Nội, Thành phố đã tổ chức lễ kỷ niệm 221 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, Quang Trung đại phá quân Thanh (1789 – 2010). Lễ hội diễn ra hoành tráng trong niềm hân hoan, tự hào của người dân đất Việt, hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Đã 221 năm trôi qua, nhưng trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa với hình tượng Vua Quang Trung vẫn mãi mãi được ghi nhớ như một bản anh hùng ca bất hủ trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, thể hiện ý chí, cốt cách và sự đoàn kết trên dưới một lòng của dân nước Đại Việt, mà ở thời kỳ nào cũng có.


Quang cảnh trước buổi lễ

Mặc dù tiết trời khá lạnh, nhưng từ sáng sớm, hàng trăm người dân khắp nơi đã đổ về Gò Đống Đa (Phường Trung Liệt, quận Đống Đa, HN) để dự lễ hội mang tính truyền thống này. Nhiều đoàn tế lễ từ Quảng Ninh, Hải Phòng và các địa phương khác cũng về đây làm lễ dâng hương trước tượng đài Vua Quang Trung, tưởng nhớ tới công lao của người Anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ, cùng các tướng lĩnh Tây Sơn đã đánh tan 29 vạn quân Thanh, thống nhất đất nước, mang lại thái bình cho non sông Đại Việt vào mùa xuân năm Kỷ Dậu.

Tới dự và thắp hương trước tượng đài Quang Trung còn có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Công Soái, Phó Chủ tịch UBND TP Phí Thái Bình, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu… và nhiều lãnh đạo quận, huyện, MTTQ Việt Nam, cũng như các cơ quan ban ngành của Thành phố.


Màn trống khai hội hoành tráng


Sau nghi lễ chào cờ, ông Trần Đức Học, Chủ tịch UBND quận Đống Đa đã đọc lời khai mạc, nhấn mạnh ý nghĩa của chiến thắng lịch sử Ngọc Hồi - Đống Đa mùa xuân Kỷ Dậu (năm 1789), khẳng định ý chí quyết tâm chung sức một lòng của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giữ nước, chống ngoại xâm. Đó là thời khắc hội tụ đỉnh cao của tinh thần yêu nước nồng nàn, của truyền thống đoàn kết và lòng dũng cảm, của ý chí quật cường không chịu sống dưới ách đô hộ của dân tộc Việt Nam. Đó là thành quả vĩ đại về quân sự và chính trị được tạo nên bởi chiến lược dùng binh tài tình, bí mật, thần tốc, dũng mãnh bất ngờ của Nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy trực tiếp của nhà quân sự thiên tài, người Anh hùng áo vải vĩ đại Quang Trung – Nguyễn Huệ. Trong chiến công vang dội đó có cả sự đóng góp không nhỏ của nhân dân thành Thăng Long – Đất kinh kỳ ngàn năm đã và đang tiếp tục khẳng định sự trường tồn của nước Đại Việt trước họa xâm lăng…


Màn võ "Quân Tây Sơn vào trận" của Võ đường Thanh Phong

Tiếp theo là chương trình biểu diễn văn nghệ đặc biệt kỷ niệm 221 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên, môn sinh của các võ đường và các đoàn nghệ thuật Hà Nội. Nổi bật là các màn trống khai hội, múa rồng, múa lân và biểu diễn võ thuật của hàng chục môn sinh thuộc Võ đường Thanh Phong, trích đoạn chèo “Ngọc Hân Công chúa” của Đoàn chèo Hà Nội… phần nào đã tái hiện lại hình ảnh vua Quang Trung, công chúa Ngọc Hân và khung cảnh của cuộc chiến ác liệt giữa nghĩa quân Tây Sơn chống lại giặc mãn Thanh năm Kỷ Dậu (1789), đem lại niềm tự hào dân tộc cho người xem, cũng như không khí vui tươi, sống động cho lễ hội.


Màn múa rồng đặc sắc

Cũng trong sáng nay (18/2), nhà tưởng niệm Quang Trung tại công viên Đống Đa đã mở cửa đón khách. Nhiều hoạt động vui chơi khác như cờ người, chọi gà, hát quan họ, giới thiệu tranh Đông Hồ cùng được tổ chức trong ngày tại công viên Đống Đa, mang lại sự thoải mái, phấn chấn cho người dân Thủ đô.

Một số hình ảnh gắn với lễ hội

Bài và ảnh: Lan Hương
source
http://www.hanoimoi.com.vn/newsdetail/1000_nam_thang_long/308905/ha-noi-ky-niem-221-nam-chien-thang-ngoc-hoi-%E2%80%93-%C4%91ong-%C4%91a.htm

No comments:

Post a Comment