Sunday 11 August 2013

Trung tâm khoa học quốc tế Quy Nhơn đi vào hoạt động



Trung tâm khoa học quốc tế Quy Nhơn đi vào hoạt động

- Ngày 12/8/ 2013 toà nhà hội nghị của Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) được cắt băng khánh thành, đánh dấu bước vận hành đầu tiên của ICISE, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác khoa học đỉnh cao cho Việt Nam.
"Gặp gỡ Việt Nam"
Cách đây 47 năm Giáo sư Jean Trần Thanh Vân, một nhà vật lý người Việt ở Pháp đã khởi xướng một hình thức hội nghị-hội thảo khoa học quốc tế về lĩnh vực vật lý năng lượng cao với tên gọi là “Gặp gỡ Moriond”, một địa chỉ trên vùng núi tuyết Alp phía Đông nước Pháp.
Tinh thần của hội nghị Moriond là tạo điều kiện để các nhà vật lý lý thuyết và thực nghiệm gặp nhau, trao đổi thông tin trực tiếp; mặt khác các cuộc gặp này ưu tiên cho giới khoa học trẻ có dịp thảo luận bình đẳng với các nhà vật lý uy tín hàng đầu, trong đó nhiều vị đã đoạt giải Nobel.
Gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành, Quy Nhơn, Trần Thanh Vân
GS Trần Thanh Vân tiếp các nhà khoa học  nước ngoài tới tham dự "Gặp gỡ Việt Nam" lần thứ 9 vừa mới diễn ra.
Sau này ban tổ chức “Gặp gỡ Moriond” phát triển thêm các hội nghị vật lý đỉnh cao có tên gọi là “Gặp gỡ Blois” tổ chức tại nơi có những lâu đài cổ kính đẹp nhất nước Pháp. Đến nay gặp gỡ Moriond và Blois trở thành các cuộc hội nghị uy tín và rất hấp dẫn đối với cộng đồng khoa học vật lý toàn thế giới.
Lần đầu tiên tôi gặp Giáo sư Trần Thanh Vân vào tháng 12 năm 1993 khi ông phối hợp với Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu (Viện Khoa học Việt Nam) tổ chức tại Hà Nội cuộc “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ nhất. Từ đó có thêm một loạt hội nghị quốc tế về vật lý hạt cơ bản và một số lĩnh vực liên ngành được thường xuyên tổ chức ngay tại Việt Nam.
Giáo sư Vân vẫn kiên trì tư tưởng chủ đạo truyền thống của “Gặp gỡ Moriond”, tức là tạo giao thoa cho lý thuyết và thực nghiệm, tạo điểm hẹn cho thế hệ trẻ gặp những bậc thầy khoa học. Ngoài ra ông cũng phát huy thêm ý tưởng tạo cơ hội giao lưu cho các nhà khoa học của các nước đang phát triển với các nền khoa học tiên tiến hiện đại nhất thế giới.
Từ năm 1994 Ban tổ chức “Gặp gỡ Việt Nam” còn phối hợp với Viện Vật lý Hà Nội và một số viện trường trong toàn quốc tổ chức lớp Vật lý quốc tế tại Việt Nam (VSOP) dành cho các nghiên cứu sinh và học viên cao học nước ta và các nước quanh vùng.
Tính đến nay đã có 9 hội nghị “Gặp gỡ Việt Nam” và 19 khoá học nâng cao của lớp Vật lý quốc tế.Xuất phát từ chủ đề vật lý hạt cơ bản, nay các hội nghị đã mở rộng sang lĩnh vực vũ trụ học, vật liệu học, sinh vật học và một số môn khoa học liên ngành khác. 
Đây thật sự là những hội nghị và các đợt tập huấn chất lượng cao, có sự góp mặt của nhiều nhà khoa học hàng đầu trên thế giới với những nội dung cập nhật về các thành tựu nghiên cứu khoa học hiện đại và tiên phong trên thế giới.
Ở Việt Nam trước đây và cả trong khu vực ASEAN ngày nay cũng hiếm thấy những sinh hoạt khoa học hàn lâm đỉnh cao một cách có hệ thống như vậy. Trong 20 năm qua, nhiều nghiên cứu viên trẻ của Việt Nam được khích lệ từ không khí học thuật của các cuộc “Gặp gỡ Việt Nam” đã nuôi nhiệt huyết dấn thân trở thành nhà khoa học thật sự.
Hai ví dụ
Có nhiều dịp tham gia trực tiếp tổ chức hoạt động phối hợp với Hội “Gặp gỡ Việt Nam” trong hàng chục năm qua, tôi có thể nói rằng các hội nghị khoa học và lớp Vật lý quốc tế tại Việt Nam đã thu được nhiều thành quả tốt đẹp. Ở đây tôi xin nêu lên hai ví dụ để thấy hiệu quả của “Gặp gỡ Việt Nam”.
Việc thứ nhất: Với sự gợi ý của ông bà Trần Thanh Vân, tháng 9 năm 1994 nhà Vật lý đoạt giải Nobel người Mỹ là James W. Cronin và Giáo sư Thiên văn học người Anh là Alan Watson đã đến Việt Nam và sau đó mời phía Việt Nam tham gia vào Dự án khoa học quốc tế Auger để “Truy tìm các tia vũ trụ có năng lượng cao nhất”.
Gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành, Quy Nhơn, Trần Thanh Vân
Các nhà khoa học tại "Gặp gỡ Việt Nam" lần thứ 9.
Trên cơ sở đó, từ cuối năm 1995 chúng tôi bắt đầu thành lập một nhóm Vật lý tia vũ trụ tại Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân Hà Nội. Tổ chức “Gặp gỡ Việt Nam” đã hỗ trợ cho nhóm chúng tôi tham dự một số lần “Gặp gỡ Moriond” và “Hội nghị Blois, để có cơ hội tiếp xúc với các đồng nghiệp Pháp và các nước thành viên Dự án Auger.
Trong số này có cố Giáo sư Murat Boratav, Đại học Paris 6, nguyên là một trong ba nhà sáng lập của Dự án Auger, sau này trong nhiều năm liên tục, ông đã tận tâm giúp khai thông và duy trì hợp tác giữa Pháp với Việt Nam về vật lý tia vũ trụ. Các đồng nghiệp quốc tế đã nhiệt tình giúp đỡ Việt Nam ngay trong những bước chập chững ban đầu.
Tháng 8 năm 1999 lại một lần nữa, nhờ sự giới thiệu của Chủ tịch Hội “Gặp gỡ Việt Nam” Trần Thanh Vân, tôi đã tiếp xúc và mời được Giáo sư Pierre Darriulat, nguyên Giám đốc khoa học của Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Châu Âu (CERN) làm cố vấn cho nhóm Vật lý tia vũ trụ Việt Nam. Ông đã tận lực giúp chúng tôi xây dựng một phòng thí nghiệm tại Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân Hà Nội để đào tạo nhân lực tham gia Dự án Auger.
Phòng thí nghiệm nghiên cứu tia vũ trụ chính thức vận hành từ tháng 5 năm 2001 có tên gọi tắt là VATLY. Đến nay nhóm Vật lý tia vũ trụ Việt Nam đã trưởng thành, duy trì hợp tác nghiên cứu và đào tạo có hiệu quả.
Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân cùng một số thành viên của nhóm Việt Nam được ghi tên trong danh sách đồng tác giả các bài báo khoa học của Dự án quốc tế Auger, điểm hình là bài đăng tạp chí Science (Khoa học) tháng 11 năm 2007 được bình chọn là một trong 10 công trình khoa học nổi bật nhất năm 2007.
Ví dụ thứ hai liên quan đến một số hoạt động làm cầu nối đưa các nhà nghiên cứu Việt Nam tiếp cận đến với thí nghiệm vật lý hạt cơ bản trên hệ siêu gia tốc đối chùm proton (LHC) của CERN. Hai vị Giám đốc lớp Vật lý quốc tế tại Việt Nam là Tiến sĩ Nguyễn Anh Kỳ ở Viện Vật lý Hà Nội và Giáo sư Patrick Aurenche, nguyên Giám đốc Trung tâm Vật lý lý thuyết tại Annecy, là một người bạn Pháp rất chân thành của Việt Nam.
Trong suốt gần 20 năm liên tục tổ chức các khóa học, ông Patrick thấy rõ phía Việt Nam với nòng cốt là các học viên trẻ của lớp Vật lý quốc tế có nhu cầu thiết yếu được hợp tác khoa học với các viện trường của Pháp.
Ông đã đề xuất một dự án lập mạng lưới các phòng thí nghiệm liên kết giữa hai nước (LIA), có sự ủng hộ của Chính phủ. Đề xuất này được các nhà khoa học Việt Nam hưởng ứng nhiệt tình. Chính phủ hai nước đã tài trợ cho các nhóm nghiên cứu về vật lý lý thuyết, mạng điện toán, vật lý hạt nhân và một số nghiên cứu liên ngành tham gia chương trình LIA.
Trong số các tổ chức thành viên phía Việt Nam có một nhóm do chính Tiến sĩ Nguyễn Anh Kỳ chủ trì thành lập tại Viện Vật lý Hà Nội để tham gia thí nghiệm ATLAS ở CERN về dò tìm hạt Higgs và các hạt siêu đối xứng.
Trong quá trình CERN chuẩn bị vận hành cỗ máy siêu gia tốc LHC, nhóm Nguyễn Anh Kỳ đã đào tạo được một số nghiên cứu viên, trong đó một vài người sau này trở thành đồng tác giả những công bố đầu tiên về phát hiện dấu vết hạt Higgs công bố cách đây hơn một năm.
Như vậy các cuộc “Gặp gỡ Việt Nam” đã giúp cho giới vật lý nước ta không bị xa cách với những hoạt động trên tiền tuyến đỉnh cao khoa học cơ bản của thế giới.
Hội “Gặp gỡ Việt Nam” cũng có những hoạt động khác như tìm nguồn học bổng động viên sinh viên giỏi nước ta theo học các ngành khoa học cơ bản, trong đó có học bổng do nhà tài trợ người Pháp là Giáo sư Odon Vallet chu cấp hàng năm chủ yếu ưu tiên cho sinh viên Pháp và sinh viên Việt Nam. Trong hoàn cảnh chung còn quá nhiều khó khăn bất cập đối với sự nghiệp phát triển khoa học của đất nước, các kết quả như trên thật sự là những điểm sáng rất khích lệ.
Khánh thành Trung tâm quốc tế Quy Nhơn
Không dừng lại ở những hoạt động truyền thống, cách đây 7 năm Giáo sư Trần Thanh Vân có ngỏ ý tưởng muốn đưa những kinh nghiệm độc đáo của mình về Việt Nam xây dựng một Trung tâm hội nghị và đào tạo khoa học quốc tế theo  mẫu hình của một vài địa chỉ tiên tiến hiếm hoi trên thế giới như Trung tâm Vật lý Aspen ở Mỹ hay La Thuile-Thung lũng Aosta ở Ý. Được như vậy thì các hoạt động “Gặp gỡ Việt Nam” sẽ có  “đất dụng võ” ổn định lâu dài và đi vào chiều sâu.
Gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành, Quy Nhơn, Trần Thanh Vân
Mô hình Trung tâm quốc tế tại Quy Nhơn.
Đây có thể sẽ trở thành một địa chỉ khoa học hàn lâm độc đáo nhất ở Châu Á, thu hút những nhà bác học hàng đầu thế giới thường xuyên đến làm việc ngắn hạn và hội thảo với các đồng nghiệp và học trò của họ trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương.
Nhiều nhà khoa học Việt Nam đã nhiệt tình tán đồng ý tưởng đó, mặc dù một số người vẫn hoài nghi ở khả năng thành công của dự án bởi những khó khăn kinh tế, xã hội nhất thời ở Việt Nam có thể cản trở các hoạt động mang tính học thuật hàn lâm.
Điều này thấy rõ trong quá trình chúng tôi tư vấn cho Giáo sư Vân tìm hiểu một vài địa điểm, nhưng đó lại là những nơi phát triển du lịch, diện tích hạn chế và đất đắt hơn vàng.
Đầu năm 2008 chúng tôi dự lớp Vật lý quốc tế được tổ chức tại Quy Nhơn, một thành phố biển rất đẹp. Khi đó khu vực kế cận còn hoang sơ và vùng Bình Định-Phú Yên vẫn tương đối bị cách ly với các vùng kinh tế sôi động ở Việt Nam.
Cơ hội này đã cung cấp một số thông tin rất thú vị về một địa điểm tiềm năng, vì vậy hơn một năm sau chúng tôi rất vui mừng khi ông Vân cho biết Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã nhiệt tình ủng hộ Hội “Gặp gỡ Việt Nam” có một vị trí đẹp trên bờ biển để đặt Trung tâm quốc tế tương lai.
Thủ tục xin cấp phép xây dựng là một quá trình rất kỳ công, nhưng phải nói là lãnh đạo của Chính phủ, của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng với cộng đồng khoa học quốc tế đều rất ủng hộ, tin tưởng, nên đến tháng 12/ 2011, Hội “Gặp gỡ Việt Nam” đã hoàn thành thủ tục và bản thiết kế, chính thức làm lễ động thổ xây dựng Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) ở phía Nam thành phố Quy Nhơn. 
Ngày 12/8/ 2013 toà nhà hội nghị sẽ được cắt băng khánh thành, đánh dấu bước vận hành đầu tiên của ICISE.
 Ngay trong tuần đó, Hội nghị khoa học “Những ô cửa nhìn ra vũ trụ” sẽ được tổ chức tại đây, đánh dấu 20 năm Hội “Gặp gỡ Việt Nam” thành lập và xúc tiến các hoạt động khoa học và đào tạo tại Việt Nam, cũng đúng vào năm kỷ niệm lần thứ 40 thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức Việt Nam-Pháp.
Được biết lần này có nhiều nhà bác học đoạt giải Nobel đã nhận lời sang Quy Nhơn cùng hơn 200 nhà khoa học quốc tế và Việt Nam đại diện các tổ chức khoa học uy tín sẽ có mặt để chào mừng sự kiện khai trương Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành.
Võ Văn Thuận
(Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân)
source
http://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/134435/trung-tam-khoa-hoc-quoc-te-quy-nhon-di-vao-hoat-dong.html

2 comments: