Tuesday 3 November 2009

Bắt được cá mập nghi cắn người ở biển Quy Nhơn



Bắt được cá mập nghi cắn người ở biển Quy Nhơn

Bắt được cá mập nghi cắn người ở biển Quy Nhơn

(TNO) Rạng sáng nay (13.4), trong lúc hành nghề thả lồng trên biển Quy Nhơn (Bình Định) - khu vực biển từ Công viên thiếu nhi đến gần khu danh thắng quốc gia Ghềnh Ráng - ngư dân Đỗ Văn Công (45 tuổi) đã bắt được con cá mập dài khoảng 1,6m, chu vi vòng bụng 1m, nặng khoảng 1 tạ.

>> Câu được cá mập ở biển Quy Nhơn / Bắt được cá mập dài 5m / Xác định giống loài cá mập bắt được tại Phú Yên / Bắt được cá mập lớn ở Phú Yên / Cá dữ tấn công người tắm biển

Theo các ngư dân, đây là loài cá mập nhám. Trong khi đó, cơ quan chức năng tỉnh Bình Định khẳng định chính con cá này là “thủ phạm” tấn công một số người tắm biển ở đây vào tháng 1.2010.

UBND tỉnh Bình Định đã “thưởng nóng” cho người bắt được con cá mập này 5 triệu đồng.

Rất đông người dân ở Quy Nhơn đã đổ xô ra bờ biển xem cá dữ. Việc bắt được cá mập đã làm cho người dân bớt lo lắng mỗi khi tắm biển.

PV Thanh Niên Online ghi lại một số hình ảnh về con cá mập vừa bị bắt:

Cá mập dài hơn 1,6m

Ngư dân Đỗ Văn Công với “chiến lợi phẩm”

Đông đảo người dân đến xem cá mập

Chở cá đi trên đường phố cũng có rất nhiều người “tháp tùng”

Ngàm con cá mập…

... rất khớp với vết cá cắn trên tay thạc sĩ Nguyễn Minh Tuân (ĐH Quy Nhơn) vào tháng 1.2010...

… và vết thương bị cá cắn trên tay ông Mang Đức Hạnh (ĐH Quy Nhơn)

Đình Phú

(thực hiện)

source

http://vn.news.yahoo.com/tno/20100413/tpl-bat-duoc-ca-map-nghi-can-nguoi-o-bie-949c3be.html

Thứ Sáu, 05/03/2010, 14:15 (GMT+7)

Ngư dân Quy Nhơn lại bắt được cá mập

TTO - Sáng 5-3, ông Trần Văn Đực, ngư dân ở Bãi Xép phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn tình cờ câu được một con cá mập tại vùng biển gần bờ. “Không chủ ý câu cá mập nên khi phát hiện cá mập mắc câu, tui vội gọi thêm hai thuyền ngư dân trong bờ chạy ra hỗ trợ mới lôi được con cá vào bờ”- ông Đực nói.

Dây và lưỡi câu vẫn còn trong miệng cá – Ảnh: Trường Đăng

Con cá mập dài 2,7m, vòng bụng 1,7m, nặng khoảng nửa tấn, hàm rất to (0,5m) và răng nhọn. Con cá đã được một thương lái ở Quy Nhơn mua với giá 10 triệu đồng ngay trong buổi sáng 5-3.

Đây là con cá mập thứ hai trong vòng một tháng bà con ngư dân ở vùng biển giáp ranh giữa hai tỉnh Bình Định và Phú Yên bắt được.

Cá mập được đưa vào bờ thuộc Bãi Xép (phường Ghềnh Ráng – Quy Nhơn) - Ảnh: Trường Đăng
Hàm và răng cá mập rất to và nhọn, tuy nhiên ngư dân đã bẻ hết răng khi vừa kéo lên bờ. - Ảnh: Trường Đăng

Khu vực bắt được cá mập lần này gần với bãi tắm Quy Nhơn. Chưa xác định được đây có phải là “thủ phạm” của ba trường hợp người tắm biển bị cá cắn vừa qua tại bãi tắm Quy Nhơn.

TRƯỜNG ĐĂNG

source

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=366613&ChannelID=3



Bãi tắm ở TP Quy Nhơn nơi xảy ra nhiều vụ cá tấn công - ảnh: Đình Phú

* 6 tháng, hơn 10 người tắm biển Quy Nhơn bị cá tấn công
*Nạn nhân khẳng định “100% là cá mập”!
* Chính quyền treo thưởng cho người bắt được cá mập ở bãi tắm

Nghe đọc bài

Những vụ cá tấn công người tắm biển tại Quy Nhơn liên tiếp trong mấy ngày qua, khiến người dân, du khách và cả chính quyền địa phương hoang mang, lo lắng.

Nạn nhân của cá dữ

Từ tháng 7.2009 đến nay, có gần 10 người tắm biển ở khu vực biển từ Công viên thiếu nhi đến gần khu danh thắng quốc gia Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn (Bình Định) bị cá dữ ngoạm chân, tay gây thương tích nặng. Trong đó, chỉ riêng ngày 9.1 vừa qua có đến 3 người bị cá cắn.


Căn cứ vào một vài chi tiết nhỏ rất khó khẳng định chính xác được loài. Nhưng nếu thấy đầu cá có 5 đôi khe mang lộ ra ngoài thì chắc chắn đó là cá mập. Cá mập loại nhỏ còn gọi là cá nhám. Tổng bộ cá nhám có hơn 200 loại, và thuộc loại cá dữ...

Thạc sĩ Phan Thị Hồng Hà, giảng viên chuyên về Ngư loại học (trường ĐH Quy Nhơn)

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, vụ cá cắn người đầu tiên tại bãi biển Quy Nhơn xảy ra vào sáng 18.7.2009. Ông Nguyễn Quang Huynh (57 tuổi, ở 22 Võ Lai, TP Quy Nhơn) đi tắm biển cùng 4 người bạn, đều là những người bơi giỏi và thường bơi khá xa bờ. Ông Huynh là người bơi trước, khi cách bờ chừng 150m thì bị cá ngoạm vào cẳng chân phải. Một mảng cơ bằng khoảng bàn tay gần như bị rời ra, hở cả xương. Những người bạn của ông Huynh cùng nỗ lực đưa ông vào bờ và chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cấp cứu. Do thương tích nặng, ông Huynh phải nằm viện điều trị suốt 1 tháng mới được về nhà.

Trong khi nạn nhân đầu tiên còn đang nằm viện điều trị, chiều 27.9, cá dữ lại “hỏi thăm” người tắm biển. Vẫn còn cảm giác ớn lạnh khi bị cá đớp chân, chị Huỳnh Thị Thúy Hồng (41 tuổi, ở khu vực 9, P.Ngô Mây, TP Quy Nhơn) kể: “Khoảng 5 giờ 30 chiều, tôi cùng chị Hạnh nhà ở đường Võ Mười xuống tắm biển (khu vực biển trước Công viên thiếu nhi). Khi 2 người đang bơi song song cách bờ khoảng 15m, thì có một con cá to chạm vào khuỷu tay chị Hạnh. Chị Hạnh hốt hoảng la lớn gọi tôi bơi ngay vào bờ. Chưa kịp xoay trở, tôi đã bị con cá đớp vào bàn chân trái, đau buốt vì máu ra nhiều. Tôi cố hết sức vùng vẫy rút chân ra khỏi miệng con cá và gắng bơi vào bờ để vào bệnh viện khâu vết thương. Bác sĩ bảo bị đứt gân ngón chân”.


Chiều 11.1, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, thầy Mang Đức Hạnh kể: “Cách nay mấy tháng, trong một lần tắm tại đây tôi cũng đã vô tình đạp chân trúng vào mình con cá rất to. Tôi có nói với mọi người nơi này có cá mập, nhưng nhiều người nghĩ tôi hù dọa nên không ai tin”. Về vết thương của thầy Hạnh, theo các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, cần theo dõi thêm vài ngày nữa để xem vết thương (đã được bệnh viện tuyến trước cắt lọc, xử lý, khâu da) có bị nhiễm trùng hay không, đồng thời làm thêm một số xét nghiệm, điện cơ, kiểm tra xem dây thần kinh trụ bị đứt hay mất đoạn (hiện dây thần kinh này bị liệt), mức độ tổn thương ra sao... mới tiến hành làm vi phẫu nối dây thần kinh trụ. (Thanh Tùng)


Theo chị Hồng, trước đó một ngày, cũng tại bãi tắm này có một người đàn ông đụng phải con cá to khi đang tắm, nhưng chưa rõ là cá gì. Người đã từng đụng con cá to đó chính là thầy giáo Mang Đức Hạnh, giáo viên Trung tâm Thí nghiệm thực hành (trường ĐH Quy Nhơn). Thầy Hạnh sau đó vẫn đi tắm biển thường xuyên và đến chiều 9.1.2010 vừa qua thì trở thành một nạn nhân của cá dữ.

Theo lời thầy Hạnh, khi mới xuống bơi được chừng 10m, bất ngờ thầy bị cá tấn công cánh tay phải. Thương tích nặng nhất ở đoạn khuỷu tay. Sau khi được mổ cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, thầy Hạnh được chuyển ngay trong đêm vào khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tiếp tục điều trị. “Khi cắn vào tay, lập tức con cá kéo tôi dìm xuống nước, tôi phải dùng chân đạp vào thân con cá để giật tay ra. Da con cá này hơi trơn, nặng chừng 35 - 40 kg. Tôi chắc chắn 100% đó là cá mập”.

Ông Nguyễn Minh Tuân đang điều trị tại bệnh viện - ảnh: Đ.P

Cùng bị cá dữ tấn công ngày 9.1 là một nạn nhân khác công tác tại ĐH Quy Nhơn: thạc sĩ Nguyễn Minh Tuân, giảng viên khoa Lý luận Chính trị. Đến chiều 11.1, thạc sĩ Tuân vẫn còn đang điều trị thương tích tại khoa Ngoại (Bệnh viện Quân y 13). Vết cá cắn ở tay trái (vào sáng 9.1, khi đang bơi cách bờ khoảng 100m) có đường kính đến hơn 20 cm, phần cơ banh toác đã được khâu lại nhiều mũi vòng quanh cẳng tay. Thạc sĩ Tuân nói ông chỉ nhìn thấy phần lưng con cá có màu xanh xám, dài gần 1m. Trước khi thạc sĩ Tuân bị tấn công, cá dữ đã đớp bị thương nhẹ vào chân một phụ nữ (ngụ ở đường Ngô Mây, TP Quy Nhơn). Chị này sau khi vào Bệnh viện Quân y 13 sơ cứu đã về nhà...

Vết thương ở tay ông Tuân thể hiện rất rõ dấu của một hàm cá mập - ảnh: Đ.P

Sẽ thưởng cho người bắt được cá dữ

Đến thời điểm hiện nay, chưa thể xác định được những nạn nhân nói trên bị một hay nhiều cá thể cá tấn công.

Ông Thái Ngọc Bích, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, sau khi xem hình ảnh vết thương cá cắn do PV Thanh Niên cung cấp, tỏ ra rất lo lắng và nhận định “rất có thể là do cá mập cắn”. “UBND thành phố đang tìm cách xử lý. Cần phải xác định loại cá này ở vùng biển Quy Nhơn là đơn lẻ, hay sống theo bầy đàn. Có thể có một con bơi vào gần bờ và gây ra các vụ cắn người. Nếu các ngư dân chủ động săn bắt được thì sẽ có khen thưởng. Chúng tôi cũng sẽ quyết liệt giải quyết dứt điểm, chứ để kéo dài sẽ rất ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt và hoạt động du lịch”, ông Bích nói.

Trong một động thái khác, hôm qua 11.1, cơ quan chức năng tỉnh Bình Định cũng liên hệ với Viện Hải dương học tại Nha Trang nhờ vào cuộc xác định chính xác loại cá dữ cũng như số lượng cá thể để cùng đưa ra hướng giải quyết hiệu quả. Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, Phó viện trưởng Viện Hải dương học, cho biết: “Ngày mai (12.1), tôi và các chuyên gia về cá của viện sẽ trực tiếp ra Quy Nhơn tiếp xúc các nạn nhân, ngư dân và các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định. Sau khi nắm bắt kỹ các thông tin liên quan, chúng tôi sẽ cùng với chính quyền thành phố, Sở Khoa học - Công nghệ, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định... đưa ra hướng xử lý cụ thể”.

Cá mập tấn công người

Theo Cơ sở dữ liệu Quốc tế về Cá mập tấn công người (ISAF) thuộc Phòng Nghiên cứu hải dương Mote ở Florida, Mỹ, mỗi năm trên thế giới có vài chục vụ cá mập tấn công người được ghi nhận. Năm 2000 xảy ra nhiều vụ nhất trong 20 năm trở lại đây với 79 vụ, trong đó có 16 trường hợp thiệt mạng. Từ 2001 tới 2008, mỗi năm có khoảng từ 50 tới 70 vụ tấn công, với số người chết không quá 4 người mỗi năm. Mỹ là quốc gia có nhiều vụ cá mập tấn công người nhất, tiếp theo là Úc và Nam Phi. ISAF cho biết trung bình mỗi năm cá mập giết chết 1 người, còn con người giết chết khoảng 100 triệu con cá mập. Người ta giết cá mập để lấy thịt, đặc biệt là lấy vây nấu súp.

Trong lịch sử, có một số vụ cá mập tấn công người hàng loạt ở vùng gần bờ được ghi nhận. Từ ngày 1 đến 12.7.1916, cá mập đã tấn công vùng biển gần bờ bang New Jersey của Mỹ, khiến 4 người chết và 1 bị thương. Tiểu thuyết Hàm cá mập của nhà văn Peter Benchley xuất bản năm 1974 lấy cảm hứng từ các vụ tấn công trên. Tiểu thuyết này sau đó được chuyển thể thành phim cùng tên, do đạo diễn Steven Spielberg dàn dựng.

Trong gần 400 loại cá mập thì cá mập trắng lớn, cá nhám hổ, cá mập bò, cá mập đầu vây trắng là những loại thường tấn công người hơn cả. Trong đó, cá mập đầu vây trắng thường tấn công ở vùng biển sâu ngoài khơi
xa, cá nhám hổ và cá mập trắng lớn đôi khi tấn công gần bờ.

C.M.L

Ngư dân tính kế

Theo ông Bùi Ngọc Trung, một ngư dân ở P.Trần Phú, TP Quy Nhơn, khoảng những năm 1985 - 1986, ông thường nhìn thấy cá heo và cá mập rượt cắn nhau ở khu vực biển gần đảo Nhơn Châu và khu vực Bãi Xép (TP Quy Nhơn). Ông Trung nhận định: “Cá dữ cắn người tắm biển vừa qua chỉ có thể là cá mập gành, hoặc mập nhám. Vào tầm mùa xuân đến mùa hè, thời điểm biển êm thì nó vào cách bờ khoảng trên 100m để sinh sản, nhưng có lẽ do nó đã cắn nhiều người, quen mùi máu rồi nên mới “liều mạng” tiến sát gần bờ như thế”.

Một bộ phận ngư dân Quy Nhơn những ngày qua cũng sôi nổi bàn cách vây bắt cá mập ở bãi biển quê nhà vì “nếu bắt được vừa góp phần đảm bảo an toàn cho người tắm biển, vừa có tiền khi đem bán con cá này. Có nhiều cách vây bắt, nhưng thường thì dùng lưới (loại lưới đặc dụng săn bắt cá mập), câu mồi (mồi màu sáng, nhiều chất tanh để dễ dụ cá mập)”, ông Trung nói. “Kinh nghiệm của ngư dân chúng tôi cho thấy loại cá mập rất tinh khôn, dù dùng cách gì cũng không dễ bắt được nó, đôi lúc phải nhờ vào may mắn. Nhưng tôi sẽ rủ anh em đi vây bắt thử xem sao”, ngư dân Bùi Ngọc Trung nói.

Đình Phú

source

Cá dữ tấn công người tắm biển
12/01/2010 0:31
http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/201003/20100112003115.aspx

Treo thưởng bắt cá cắn người tắm biển

Lãnh đạo thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, thông báo sẽ trọng thưởng người bắt được cá dữ tấn công hàng loạt người tắm biển, đồng thời tăng cường tuần tra bờ biển, chuẩn bị lập trạm cứu hộ bãi tắm.
> Cá tấn công người tắm biển

Khoảng 10 người tắm biển Quy Nhơn đoạn từ Công viên thiếu nhi đến gần khu danh thắng quốc gia Ghành Ráng, bị cá cắn bị thương đến phải nhập viện, tính từ tháng 7/2009 đến nay. Riêng ngày 9/1 đã có đến 3 người bị cá tấn công. Người dân địa phương và du khách hết sức lo lắng. Bãi biển chiều qua vắng hẳn người tắm.

Bãi biển vắng người. Ảnh: Minh Thảo

Trước tình trạng đáng lo ngại này, ông Thái Ngọc Bích, Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn cho biết: “Chúng tôi đang gấp rút phối hợp với ngành chức năng để sớm tìm ra “thủ phạm”, giải quyết dứt điểm tình hình, tránh ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt và hoạt động du lịch. Nếu ngư dân chủ động săn bắt được con cá dữ này thì sẽ được chính quyền trọng thưởng”.

Còn ông Nguyễn Hữu Hào, Chi cục trưởng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định cho biết: “Để trấn an tình hình, ngay chiều 12/1, Chi cục đã cho một chiếc bobo thường xuyên kiểm tra vào giờ cao điểm tại vùng biển xảy ra các vụ cá cắn vừa qua”. Theo ông Hào, Chi cục đã kiến nghị thành phố lập ngay một trạm cứu hộ tại bãi tắm để cứu hộ khi cần thiết.

UBND tỉnh Bình Định cũng đã phải nhờ đến Viện Hải dương học tại Nha Trang hỗ trợ, để xác định chính xác loài cũng như số lượng cá dữ, cùng đưa ra hướng giải quyết hiệu quả. Chiều 12/1, Phó Viện trưởng Võ Sĩ Tuấn đã đưa đoàn Viện Hải dương học Nha Trang đến Quy Nhơn để tìm hiểu tình hình và gặp các nạn nhân bị cá tấn công.

Ông Nguyễn Quang Huynh (57 tuổi), nạn nhân đầu tiên bị cá dữ tấn công tại bãi biển Quy Nhơn vào sáng 18/7/2009, kể lại, hôm ấy ông đi tắm biển cùng 4 người bạn, đều là những người bơi giỏi và thường bơi khá xa bờ. Ông Huynh là người bơi trước, khi cách bờ chừng 150 m thì bị một con cá ngoạm vào cẳng chân phải. Một mảng cơ bằng khoảng bàn tay gần như bị rời ra, hở cả xương.

Những người bạn của ông Huynh cùng nỗ lực đưa ông vào bờ và chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cấp cứu. Do thương tích nặng, ông Huynh phải nằm viện điều trị suốt một tháng mới được về nhà.

Một số ngư dân có kinh nghiệm ở địa phương cho biết, vẫn thường xuyên đánh bắt được cá mập con (khoảng 5-7kg) tại vùng biển này. Còn cá mập lớn hiếm khi vào bờ. Chỉ khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm cá mập mẹ mới vào vùng biển Ghành Ráng để đẻ, sau đó lập tức bơi ra khơi. Theo họ, dù chỉ có trọng lượng nhỏ như thế nhưng cá mập đã đánh bắt được có thân hình dài, khiến nhiều người cảm tưởng là cá to. Đặc biệt, khi há miệng đớp mồi, miệng cá mập con rất to (gần bằng bàn tay xòe).

Nhận định của các ngư dân này, với vết cắn để lại cho nạn nhân, có thể khẳng định thủ phạm là cá mập con. Cá mập trưởng thành mỗi lần cắn là mất cả chân tay chứ không chỉ là vết ngoặm.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Tuấn khá dè dặt nhận định: “Với các vết cắn để lại trên người những nạn nhân, trước mắt, chỉ có thể khẳng định đúng là do cá cắn. Còn thủ phạm là loài cá gì, khối lượng bao nhiều thì còn phải xem xét”.

Theo ông Võ Văn Quang, Phó phòng động vật có xương sống, Viện Hải dương học Nha Trang, nếu chỉ căn cứ vào một vài chi tiết nhỏ rất khó khẳng định chính xác được loài. Ông nói: “Ngoài ra, việc tìm được con cá đã gây ra những vụ tấn công này cũng như mò kim đáy bể. Bởi vì, phương tiện tối tân nhất hiện nay là máy định vị ba chiều, nhưng loại máy này chỉ phát hiện ra các đàn cá, còn cá thể đơn lẻ là rất khó khăn”.

Minh Thảo

source

Thứ tư, 13/1/2010, 00:24 GMT+7

http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/01/3BA17AD6/

Thứ Năm, 04/02/2010 - 20:53

Bắt được cá mập hơn 1 tấn trên biển Phú Yên

(Dân trí) - Một con cá mập dài 5 mét, chu vi vòng bụng rộng 3,5 mét, nặng ước chừng hơn một tấn vừa được ngư dân huyện Sông Cầu đánh bắt được. Nhiều người nhận định, con cá này là thủ phạm của những vụ cắn người tại vùng biển Qui Nhơn, Bình Định.
>> Cá cắn người ở Quy Nhơn thuộc bộ cá nhám
>> Cảnh báo cá dữ cắn người tại bãi biển Quy Nhơn
Theo lời ông Nguyễn Trọng ở xã Xuân Hải (TX Sông Cầu, Phú Yên) người đánh được cá, kể lại, vào rạng sáng 4/2 trong lúc ông Trọng cùng hai người con trai là Nguyễn Sự và Nguyễn Long đang hành nghề lưới rê ở khu vực gần bờ thuộc xã Xuân Hải đã phát hiện và bắt được con cá này.



Con cá mập được kéo vào bờ (Ảnh: Ngọc Diệp)

Đây là lần đầu tiên cá mập xuất hiện ở vùng biển Sông Cầu và ngư dân đánh bắt được. Ngay sau khi bắt được rất nhiều người đến ngã giá mua cá, nhưng gia đình ông Trọng chưa bán. Nghe tin, Viện Hải dương học Nha Trang đã cử cán bộ đến thương lượng với ông Trọng để hiến tặng cá đưa vào bảo tàng của Viện phục vụ nghiên cứu khoa học.

(Ảnh: Ngọc Diệp)
Nhiều người nhận định, con cá này là thủ phạm của những vụ cá lạ cắn người tại vùng biển Qui Nhơn, Bình Định mà báo chí đã đưa tin và UBND tỉnh Bình Định cũng đã có chủ trương treo thưởng ai đánh bắt được cá lạ.
Ngọc Diệp
source
http://dantri.com.vn/c20/s20-377689/bat-duoc-ca-map-hon-1-tan-tren-bien-phu-yen.htm

Ba giờ khuất phục cá mập khổng lồ

Lồng lên hung dữ khi bị tung lưới, con "cọp biển" thi thoảng lại nhô đầu lên cao nhe hàm răng sắc bén. Hai cha con ông Trong vật vã kéo dây, còn chiếc thuyền nhỏ xoay vòng mỗi khi cá mập rướn mình.
> Bắt được cá mập ở vùng biển có người bị tấn công/ Cá tấn công người tắm biển

Đứng sát bờ biển, sóng thỉnh thoảng đánh trên đầu gối, người đàn ông vừa bắt được con cá mập nặng hơn một tấn, cười hể hả với VnExpress.net vào chiều 4/2. Ông vừa lập được chiến công lớn nhất đời ngư dân của mình: chiến thắng cá mập đen khổng lồ sau ba tiếng quần thảo trên biển. Con cá mập bị trói gô nằm trong làn nước biển gần bờ.

Gạt mồ hôi, miệng tươi cười, tay vuốt nhẹ chiếc vây dài của con cá mập, ngư dân này cho biết: "Đây là chiến lợi phẩm hoành tráng nhất đời tôi". Câu chuyện khuất phục cá dữ được ông kể lại, mắt sáng ngời đầy tự hào.

Hàm cá lởm chởm răng khiến hai ngư dân luôn phải dè chừng.
Hàm cá lởm chởm răng khiến hai ngư dân luôn phải dè chừng. Ảnh: Minh Thảo.

Như thường lệ, chiều 3/2, ông Nguyễn Trong (tên thường gọi là Đặng), 60 tuổi, cùng con trai là Nguyễn Sự (32 tuổi), ở xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu, Phú Yên lại dong thuyền nhỏ ra khơi, thả lưới kiếm kế sinh nhai. Vì là thuyền nan nhỏ nên cha con ông chỉ làm nghề lưới rê, đánh bắt gần bờ, cách đất liền chừng 100m.

Rạng sáng 4/2, trong lúc cha con thu lưới trở về nhà, còn cách bờ chừng 30m, anh Sự thoáng thấy một vật màu đen đang chầm chậm rẽ sóng vào sát bờ. Lúc đầu anh nghĩ đó là một bì rác lớn nổi trên biển. Nhưng khi cho ghe tiến đến gần, "đống rác" hiện nguyên hình là phần đuôi và vây cá. Vừa hoảng sợ vừa vui mừng, hai cha con ngư dân la to: "Cá mập".

Với kinh nghiệm, ông Trong hình dung con cá này phải to bằng cả chiếc ghe nhỏ của cha con ông. Sau phút lưỡng lự và suy tính về “tương quan lực lượng”, cha con ông Trong quyết định vây bắt cá. Lúc này đã là 6 giờ sáng.

Sau vài phút bàn tính, ông Trong cầm lái thay con, còn Sự loay hoay chuẩn bị toàn bộ các phương tiện hành nghề hiện có trên ghe. Tay lưới mới đầu tư gần chục triệu đồng vừa được kéo lên cách đó hơn tiếng đồng hồ được Sự lôi ra chuẩn bị quăng mẻ lưới quyết định.

Phía sau, ông Trong khéo léo, nhẹ nhàng cho ghe tiến sát con cá. Thấy động, con cá muốn tìm đường quay ra khơi. Tuy nhiên, cử động của con cá lớn khó nhọc, nặng nề, dường như có vấn đề về sức khỏe.

Hàng trăm người hiếu kỳ đứng chờ kết quả cuộc chiến.
Hàng trăm người hiếu kỳ xem xe cẩu đưa con cá mập lên bờ. Ảnh: Minh Thảo.

Ông Trong kể, đưa thuyền đến gần, ông tắt máy, định vị bánh lái. Thấy con cá quá to, ông gọi điện thông báo cho người thân đang đánh bắt gần đó để chuẩn bị tiếp ứng. Rồi sau tiếng hô "hai...ba...", hai cha con đồng loạt quăng lưới. Cảm nhận "điều chẳng lành", con cá khổng lồ quẫy đuôi, bơi nhanh ra khơi.

Không để con vật tẩu thoát, Sự vội cho ghe nổ máy, đánh bánh lái chạy vòng quanh con cá để bố tiếp tục giăng lưới bao quanh con cá. Bao nhiêu thứ vật nặng trên ghe đều được cha con dùng ném mạnh vào đầu con cá nhằm làm cho nó bị chấn thương, choáng váng.

Có vẻ xoay trở khá mệt mỏi, song con cá hung dữ to bằng chiếc ghe, vẫn ra sức vùng vẫy, xé toạc từng mảng lưới của cha con ông Trong. Tấm lưới lành lặn chuyên săn những chú cá nhỏ bị rách bươm chỉ sau vài phút được tung lên mình con cá mập. "Cuộc truy quần tiếp tục diễn ra hơn một giờ thì con cá bắt đầu có dấu hiệu đuối sức. Thấy thế tôi cho ghe tăng tốc để cha vây thêm vài lớp lưới", người con trai kể tiếp lời bố.

Hai tiếng đồng hồ sau, chiếc thuyền được ông Trong gọi tới để tiếp ứng cũng vừa đến. Tám ngư dân lực lưỡng sẵn sàng vào trận chiến đấu với “cọp biển”. Một ngư phủ giương cây lao thép đầu gắn mũi tên inox sáng loáng, có sợi dây neo dài 50 sải tay phóng tới.

Chỉ ở cú ném đầu tiên, mũi tên trúng mình con cá lúc này đã đổi tư thế nằm ngang chứ không còn hướng ra khơi. Những người còn lại hò nhau kéo con cá cập sát mạn thuyền. Tiếp đó một người dùng lưỡi khấu uốn cong sắt nhọn, móc vào quai hàm kéo con cá khổng lồ tới gần. Đôi mắt con cá trợn ngược vẫn ánh lên vẻ hung dữ. Một ngư dân khác tay cầm sẵn cây sào có sợi dây điện nối với nguồn điện được phát ra từ bình Diamo trên tàu, chích vào đầu, vào thân cá. Con cá khổng lồ quẫy mạnh như giãy chết rồi bất tỉnh.

Con cá nặng cả tấn được kéo gác đầu lên be thuyền, hai ngư dân dùng búa, chày lớn đập liên tục vào đầu cá mập cho đến khi chết hẳn. Phải mất gần một giờ, những cánh tay săn chắc của 10 ngư dân mới đưa được con cá lên tàu. Hai cha con ông Trong cũng ngã vật xuống sàn thuyền vì đuối sức.

Cá mập được đưa vào bờ sau 3 giờ vây bắt.
Cá mập được đưa vào bờ sau 3 giờ vây bắt. Ảnh: Minh Thảo.

Con cá mập được đưa về bờ biển Xuân Hải (Phú Yên), ai nấy đều trầm trồ vì lần đầu tiên thấy cá mập to đến vậy. Phần thân trên con cá có màu đen xám, da nhám; bụng cá màu trắng hồng; mỗi bên có năm khe mang (biểu hiện rõ nhất của loài cá mập); hàm rộng khoảng 1m, hàm phía trên có hai hàng răng dày, phía dưới răng khá thưa và đều nhọn theo kiểu hình răng cưa. Vi hai bên hông dài gần 1m, rộng 0,5m; phần đuôi rộng gần sải tay.

Ông Trong báo cho Trạm Biên phòng ở Xuân Hải, nhờ thông báo cho đơn vị bảo vệ nguồn lợi thủy sản để giám định loài và xác định có phải là thủ phạm gây ra hàng chục vụ cắn người ở vùng biển Gềnh Ráng, giáp với xã Xuân Hải, thuộc thành phố Quy Nhơn. Ngay trong sáng 4/2, các ngành chức năng ở tỉnh Bình Định và chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Phú Yên đã có mặt để giám định. Đoàn chuyên gia của Viện Hải dương học Nha Trang cũng tức tốc có mặt để có những kết luận chuyên sâu.

Qua đo đạc cho thấy con cá có chiều dài 5m, vòng tròn bụng to đến 3,5m, trọng lượng khoảng 1 tấn. Theo kết luận của các ngành chức năng, đây là loài cá mập đen (nhám đen).

Giữa tháng 1, liên tiếp nhiều trường hợp người tắm biển Quy Nhơn bị một loài cá dữ tấn công bị thương đến nhập viện cấp cứu. Viện Hải dương học Nha Trang xác định cá cắn người thuộc bộ cá nhám nhưng chưa có mẫu vật cụ thể để xác định loài. UBND thành phố Quy Nhơn đã treo giải thưởng 10 triệu đồng cho người nào bắt được cá mập, đồng thời chọn một đội ngư dân chuyên săn bắt loài cá này để trả lại yên bình cho vùng biển đẹp miền Trung.

Minh Thảo - Thùy Quân

source

http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/02/3BA18885/



No comments:

Post a Comment